Hướng đến báo chí dữ liệu
Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, một “bảo tàng cách mạng” của cả nước. Đồng bào 22 dân tộc nơi đây đã tạo dựng nên các sắc thái văn hóa độc đáo, với một kho tàng phong phú những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc. Nhằm giới thiệu, lan tỏa bề dày lịch sử, văn hóa độc đáo của xứ Tuyên, Báo cuối tuần đã xây dựng các số báo theo từng chủ đề chuyên sâu gắn với các vấn đề thời sự, đồng thời duy trì chuyên mục: Đất và người xứ Tuyên, Nghiên cứu - Trao đổi, Gặp gỡ cuối tuần,…
Đến với chuyên mục này, bạn đọc có thể hiểu thêm về lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Tuyên Quang. Ở đó, mỗi người xứ Tuyên đều không khỏi tự hào khi hiểu hơn về thời kỳ hào hùng của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông; thời nhà Mạc, Đinh-Tiền Lê, thời Lý, Trần, thời nhà Nguyễn… Đó còn là những địa danh lịch sử đã đi vào sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào; là hệ thống đền, đình, chùa có niên đại hàng nghìn năm.
Báo Tuyên Quang cuối tuần đã và đang ngày càng hấp dẫn bạn đọc bởi sự “mềm” hóa trong cách tiếp cận các vấn đề.
Cùng với những tư liệu lịch sử là những vệt bài viết chuyển tải sâu sắc phong tục, tập quán, di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng 22 dân tộc xứ Tuyên. Về lễ hội có thể kể đến như lễ hội Lồng tông của người Tày, lễ hội rước mẫu đền Hạ - đền Thượng-đền Ỷ La, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Dao đỏ... cùng nhiều lễ hội lớn nhỏ được tổ chức ở khắp các địa phương trong tỉnh. Về dân ca, dân vũ là Páo dung của dân tộc Dao; là Then, Quan làng của người Tày; Sình ca Cao Lan; Soọng cô Sán Dìu;... Đó còn là tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghi lễ... truyền thống đã và đang được đồng bào các dân tộc gìn giữ, bảo tồn.
Các số báo cuối tuần đã góp phần cung cấp thông tin đa diện, nhiều chiều, giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc, toàn diện vấn đề quan tâm, góp phần chuyển từ báo chí phản ánh sang báo chí chuyên sâu đa chiều, phát huy mạnh vai trò của phân tích, bình luận, phản biện và đề xuất giải pháp. Đặc biệt, với kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu trên từng lĩnh vực của các chuyên gia, các bài báo còn là tư liệu quý để bạn đọc có thể nghiên cứu, tham khảo về những vấn đề mình quan tâm. Đây cũng là hướng đi của Báo Tuyên Quang trong phát triển báo chí dữ liệu.
Đậm chất văn chương, nâng cao văn hóa đọc
Cùng với các chủ đề chuyên sâu, chất văn chương được báo tập trung khai thác. Theo đó, Báo duy trì chuyên trang văn học - nghệ thuật và các chuyên mục: Tác giả - Tác phẩm, Mỗi tuần một cuốn sách, Đến với bài thơ hay, Đời có người như thế... Qua đó nhằm giới thiệu gương mặt các tác giả, tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi trong tỉnh, ngoài tỉnh và trên thế giới. Theo đó, hàng loạt những sáng tác mới đã được Báo cuối tuần giới thiệu đến độc giả như: “Tranh thờ người Dao” của nhóm tác giả Tống Đại Hồng, Ma Văn Đức, Bàn Xuân Triều; tiểu thuyết “Tháng ngày Việt Bắc” và “700 năm danh xưng Tuyên Quang” của Phù Ninh; tiểu thuyết “Rừng có tiếng người” của cố nhà văn Đinh Công Diệp... Đó còn là việc giới thiệu những cuốn sách kinh điển hay nhất mọi thời đại của các nhà văn lớn trên thế giới như: Đắc Nhân Tâm - Dale Carnegie, Hành trình về phương Đông- Baird T. Spalding, Trí Tuệ Của Sự Từ Bi - The Wisdom Of Compassion, Thiên thần nổi giận - Sidney Sheldon; Luật im lặng - Mario Puzo.
Ở trang thơ, truyện ngắn và chuyên mục Tản văn, chắc hẳn độc giả sẽ vô cùng phấn khích khi gặp lại Bình Nguyên Trang với những ký ức tươi đẹp của tuổi học trò qua thi phẩm “Trôi trong trưa”, hay một Nguyễn Ngọc Tư với chất văn vừa lạ, vừa cuốn qua Tản văn “Bỏ trốn”. Ở đó còn là những trải nghiệm đầy tinh tế của Đỗ Bích Thúy với Tản văn “Những cái Tết nào đã qua”; là góc nhìn sâu sắc, từng trải qua “Tiếng gọi cửa” của Nguyễn Quang Thiều…
Chất văn trong báo còn được thể hiện khéo léo trong cách rút tít như: Cho cả muôn đời một khúc ca (Thái An), Đời vui tiếng Bác ấm muôn nhà (Hà Linh), Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết (Hoài Thu)…; là việc trích dẫn thơ, ca dao, dân ca vào tác phẩm báo chí như: Xuân trong truyện Kiều (Ngọc Mai), Những câu hát giao duyên (Thái An), Bác Hồ lẩy Kiều (Việt Thanh)… Báo cuối tuần còn có sức hút riêng nhờ việc khai thác chất liệu văn học trong cách đặt vấn đề và thể hiện tác phẩm phóng sự, ký sự.
Bởi thế, số Báo Tuyên Quang cuối tuần đầu tiên ngay lập tức đã thu hút bạn đọc khi có cộng tác viên đã đặt báo tại các bưu cục, thậm chí có những bạn đọc cao tuổi trực tiếp đến tòa soạn đặt mua Báo Tuyên Quang cuối tuần. Báo Tuyên Quang cuối tuần cũng nhận được phản hồi tích cực của độc giả trên mạng xã hội, đồng thời mong muốn tòa soạn gửi địa chỉ để bạn đọc gửi bài cộng tác. Từ đây, số lượng tác phẩm cộng tác viên gửi bài đăng Báo Tuyên Quang cuối tuần ngày càng tăng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng Báo Tuyên Quang cuối tuần nhận được khoảng hơn 500 tác phẩm của cộng tác viên ở các thể loại: thơ, truyện ngắn, tản văn, bình luận, chuyên luận… Đây là nguồn động lực lớn để những người làm báo cuối tuần tiếp tục cố gắng nâng cao chất lượng từng số báo.
Đổi mới trình bày, quy tụ nhiều cây bút uy tín
Báo Tuyên Quang cuối tuần chú trọng các bài viết mang tính chuyên đề trên cơ sở khai thác thế mạnh đội ngũ cộng tác viên là PGS.TS, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ Hà Nội, ban, bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dưới góc nhìn chuyên gia, các nhà báo tên tuổi, hàng loạt các vấn đề lớn, trọng đại của đất nước như tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, gìn giữ văn hóa dân tộc… được chuyển tải sâu sắc. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Sứ mệnh chấn hưng văn hóa dân tộc (PGS.TS Bùi Hoài Sơn), Tinh gọn để vững tin nước mạnh, dân giàu (TS Nguyễn Trí Thức); Ngày xuân bàn việc chống lãng phí (Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ); Phát triển kinh tế số trong xây dựng xã hội số (PGS.TS Trần Quang Diệu), Kinh tế tuần hoàn - Xu hướng tất yếu (TS Hoàng Xuân Trọng); Thực hành sáng tạo trò chơi dân gian (TS Giang Thị Huyền)… Đó còn là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo tên tuổi cộng tác đều đặn trong các trang thơ, truyện ngắn, Tản văn của Báo cuối tuần như: Nguyễn Ngọc Tư, Bình Nguyên Trang, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trịnh Thanh Phong, Đỗ Huy Chí, Đinh Xuân Trường, Đỗ Minh Tuấn, Bùi Việt Phương, Tạ Bá Hương…
Cùng với đầu tư công phu về nội dung, Báo Tuyên Quang cuối tuần cũng cải tiến mạnh mẽ, quyết liệt trong việc trình bày, với những sự thay đổi về hình thức từng tác phẩm báo chí, cũng như cả số báo, đặc biệt là trang nhất. Trang nhất được trình bày công phu, kỹ lưỡng theo hướng hiện đại, sử dụng phần mềm mới, công nghệ AI trong làm báo để hình thành bản sắc, dấu ấn từng số báo, tạo ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên. Các ấn phẩm Tuyên Quang cuối tuần không chỉ cung cấp cho bạn đọc thông tin chữ viết, hình ảnh tĩnh đơn thuần mà đã sử dụng nhiều thông tin đồ họa (infographic) hơn, chú ý đến yếu tố nhiều “cửa sổ” cho từng bài báo với các tít dẫn, box thông tin, hình ảnh.
Báo Tuyên Quang cuối tuần hiện gồm 12 trang in màu, khổ A3 phát hành rộng khắp cả nước vào ngày thứ Sáu hằng tuần. Báo duy trì các chuyên đề thời sự, chuyên trang Văn học- Nghệ thuật, Văn hóa-Thể thao cùng các chuyên mục: Tác giả- tác phẩm, Chuyện cuối tuần, Diễn đàn, Nghiên cứu - Trao đổi, Đất và người xứ Tuyên, Gặp gỡ cuối tuần, Tản văn… Số lượng trung bình hơn 4.000 bản in/số báo. Với những góc nhìn đa chiều, đậm chất văn chương, quy tụ những cây bút uy tín, báo Tuyên Quang Cuối tuần đã và đang tạo ra sức mạnh mềm, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tờ Báo Đảng.
Gửi phản hồi
In bài viết